Với không gian chật hẹp và mật độ dân số cao như ở thủ đô Hà Nội, những chung cư mini tưởng chừng như là “cứu cánh” của những người chỉ có một số tiền không lớn được thực hiện ước mơ về ngôi nhà của mình. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian sinh sống, những điều hấp dẫn ban đầu trở thành những câu chuyện dở khóc, dở cười… đối với những người trong cuộc – những người đang sinh sống ở đó.
Cầu thang quá khiêm tốn
Trong những chung cư mini thường không có thang máy, con đường duy nhất của hàng chục hộ gia đình ở đây là cầu thang bộ. Và nếu được "mục sở thị" cảnh sống của những người ở chung cư mini chắc hẳn những người có ý định mua chung cư mini cân nhắc trước khi chọn mua. Bởi lẽ diện tích người ta dành cho cầu thang bộ quá ư khiêm tốn.
Cầu thang siêu hẹp.
Ở Xuân Thủy (Cầu Giấy – Hà Nội), ở trong một con ngách siêu nhỏ và sâu hun hút tại, đến cuối đường là một tòa nhà được xây trên diện tích chừng 150m2. Tại chung cư mini này, điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là chiếc cầu thang siêu hẹp, chỉ tầm 70 – 80cm. Nó hẹp đến nỗi, người béo quá 80kg mà đi vào thì chỉ có cách là... đi nghiêng. Còn hai người, một đi lên, một đi xuống, muốn tránh nhau giữa cầu thang thì... không thể. Cách duy nhất là phải…nhường nhau, một người quay lại chiếu nghỉ để người kia đi trước.
Cầu thang hẹp quá, nên việc vận chuyển đồ đạc lên cũng là một thử thách lớn. Nếu gia chủ có điều kiện hơn một chút muốn đầu tư một bộ bàn ghế, giường tủ… cỡ lớn thì cũng khó mà mang qua được cầu thang để lên nhà của mình. Vì thế đa số đồ đạc của những cư dân sống ở đây đều rất đơn giản, gọn nhẹ, ít đồ đạc cồng kềnh. Ví dụ nhà bác Mai, ở tầng 7, cả căn phòng có duy nhất một chiếc tủ quần áo là lớn nhất. Để mang được chiếc tủ này lên được tầng 7, bác phải tháo từng bộ phận ra rồi thuê người khiêng từ tầng 1 lên, chứ không thể khuân cả qua cầu thang. Ti vi, tủ lạnh đều rất xinh xắn.
Cầu thang ở đây còn nguy hiểm ở chỗ nó không chỉ hẹp mà còn rất tối. Những người chưa quen đi cầu thang này thường phải lần mò, vừa vịn tay vào lan can, vừa lò dò bước từng bước một, như đứa trẻ mới tập đi phải vịn tường, nếu không sẽ bước hụt và ngã.
Bình cứu hỏa chỉ dùng để… trưng bày
Với cầu thang như thế, bình thường những người dân ở đây xếp hàng lên xuống cũng xem là ổn thỏa. Nhưng nếu chẳng may tòa nhà xảy ra sự cố gì (như đánh nhau, hỏa hoạn), ai cũng muốn chạy thật nhanh, thoát thật mau…thì có lẽ họ chỉ còn cách hoặc chen lấn, xô đẩy hoặc “nhảy lầu” thoát hiểm từ hành lang.
Trong khi đó, ở những chung cư mini này hầu hết đều không có cầu thang thoát hiểm và hệ thống phòng chống cháy nổ. Chung cư mini khác ở ngõ 99 Xuân Thủy (Hà Nội), để an lòng khách hàng, có trang bị một bình cứu hỏa mini nhưng như chỉ để có, chứ nếu có cháy nổ thật thì cũng không ăn thua khi cả 6 tầng nhà không có cầu thang thoát hiểm. Mà tình trạng cháy nổ, chập điện ở đây lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào bởi hệ thống điện cũng được chăng rối rắm như mạng nhện.
Bình cứu hỏa mi ni này dường như là có cho đủ.
Không có cả bảo vệ, lao công
Lực lượng an ninh là bộ phận quan trọng ở các tòa nhà, thế nhưng ở hầu khắp các chung cư mini đều không có ban quản lý, không có dịch vụ bảo vệ chung cư, mọi thứ do các hộ gia đình tự quản, tự đề ra với nhau. Tầng 1 được dùng để xe, nhưng không có ai trông nom. Các hộ gia đình phải tự trang bị các thiết bị để bảo vệ như chăng dây xích, khóa cổ, khóa càng. Quy định đi ra, đi vào phải khóa cổng cẩn thận. Dẫu vậy, tâm trạng lo lắng mất xe vẫn cứ canh cánh trong lòng. Đó cũng là lý do nhiều hộ gia đình có điều kiện nhưng cũng không dám “lên đời” xe bởi nguy cơ mất trộm rất cao.
Không chỉ không có bảo vệ, không hệ thống chữa cháy, tại các khu chung cư mini này, vấn đề vệ sinh cũng hết sức nhức nhối. Vì là không gian tập thể, nên trên các hàng lang, cầu thang và chiếu nghỉ luôn có... rác. Trong khi đó, vì không có lao công nên cũng không gia đình nào có ý thức dọn dẹp. Mặc dù tại mỗi tầng đều có một chiếc chổi đã cùn nhưng dường như để cho có, còn không ai có ý định sử dụng.
“Tiền trao cháo múc” không cần sổ đỏ
“Mua chung cư mini thủ tục đơn giản lắm, không phức tạp như mua chung cư thường đâu. Tiền trao, cháo múc, thế là xong”, chị Nguyệt, chủ một chung cư mi ni ở Cầu Giấy nói. Và cũng chính vì thế mà dường như việc có thể sở hữu sổ đỏ của các căn chung cư mini dường như là việc rất xa với với những người mua ở đây.
Hệ thống điện rất nguy hiểm nếu bị chập mạch.
“Mánh khóe” của nhà thầu để thoái thác khi khách hàng hỏi sổ đỏ là sổ đỏ sẽ có sau, trước mắt khách mua nhà sẽ đặt tiền, khi nào giao đủ sẽ giao một bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kèm theo hợp đồng mua bán nhà, giấy sang tên và bản cam kết thỏa thuận sử dụng nhà giữa người mua và người bán. Anh Tuấn, ở chung cư mini trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, anh mua căn hộ này được hơn 1 năm nhưng đến giờ vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nhiều lần hỏi chủ nhà nhưng đều nhận được câu trả lời thờ ơ: “Đang làm, cứ chờ rồi sẽ có, không ai xù đâu mà lo”.
Cũng vì không có trong tay sổ đỏ, nên trong trường hợp có tranh chấp, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những người mua vì họ không có giấy tờ hợp pháp để được bảo vệ trước pháp luật. Tuy nhiên, với những người có thu nhập trung bình thì sở hữu 1 căn nhà với mức giá trên nửa tỷ ở ngay trung tâm Hà Nội đã là một giấc mơ quá xa vời. Vì vậy, họ vẫn sẵn sàng chấp nhận “đánh liều” để có được một căn nhà. Thế nhưng có lẽ trước khi quyết định mua, người mua nên tham khảo kinh nghiệm của những người đã đang ở trong những căn chung cư mini đó để có được lựa chọn sáng suốt nhất cho mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét