Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Đúng sai chuyện bảo vệ bệnh viện đánh người bán hàng rong, bán vé số

Người phụ nữ bán hàng rong cho rằng bị bảo vệ thu giữ đồ, đánh thâm tím cả người phải nhập viện điều trị, trong khi giám đốc bệnh viện cho rằng nhân viên bảo vệ bệnh viện làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Người bán vé số nhiều lần bị đánh đập tố cáo các bảo vệ bệnh viện ra tay độc ác. Vậy sự thật ra sao, ai đúng ai sai?

1.  Người bán hàng rong bị bảo vệ bệnh viện đánh nhập viện


Bà Phạm Thị Tính cho biết, khoảng 10 giờ 30 sáng 28-2-2014, bà vào bán bánh trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thì bị bảo vệ tịch thu đồ đạc, không cho bán. Tiếc rẻ nên bà nhiều lần năn nỉ, thậm chí còn cam kết với các bảo vệ sẽ không bao giờ vào bán hàng tại bệnh viện nữa, chỉ yêu cầu cho xin lại 2 thùng bánh để đi bán nhưng bảo vệ không cho.

Cho đến lần cuối, bà đến đập cửa phòng các bảo vệ để xin lại đồ lần nữa thì bị bảo vệ tên N. dùng gậy đánh nhiều cái vào tay, lưng và đầu khiến bà gục giữa sân. 

Đến chiều tối, bà Tính về nhà nấu cơm và đón con trai đi học về nhưng vì quá đau đành phải đưa cả con trai vào bệnh viện cấp cứu ở khoa Ngoại chấn thương. Chồng bà Tính đi làm thợ bốc vác cả ngày nên không hề biết chuyện.

Bà không liên lạc với gia đình khi nhập viện, giải thích điều này bà nói mình bị đánh quá nhiều, cảm thấy hoảng loạn, thêm vào đó đồ đạc và cả điện thoại di động bị bảo vệ thu giữ nên muốn nhanh vào đòi lại. Đến tối cùng ngày, phải nhờ đến người bán bánh mì vào xin lại, bảo vệ mới trả đồ cho bà.


Bà Tình dơ ra vết thương bị đánh ở tay

Sự việc đã được nhìn nhận hoàn toàn khác nhau từ mỗi người. Bà Tính cho rằng bị bảo vệ dùng gậy đánh nhiều lần khiến tay thâm tím như thế này trong khi lãnh đạo bệnh viện nói nhân viên bảo vệ của mình không đánh người.

Ông Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, cho biết  thời gian gần đây, nhiều phần tử trà trộn vào bệnh viện dẫn đến mất cắp. Bệnh viện không có chủ trương cho người bán hàng rong vào bên trong. “Tuy nhiên, bà này (bà Phạm Thị Tính) nhiều lần vào bán bên trong, bảo vệ đã mời ra nhưng vẫn vào nên bảo vệ thu đồ thì bà này vào ăn vạ, đập phá bệnh viện, bảo vệ can ngăn dẫn đến xô xát với nhau chứ không phải bảo vệ đánh. Bảo vệ họ làm đúng chức năng nhiệm vụ của họ” – ông Ẩn nói.

2.  Bảo vệ bệnh viện đánh đập người bán vé số dã man


Chị Quách Thị Vân (SN 1976, quê Ninh Bình) liên tục vào bệnh viện Thủ Đức để bán vé số, mặc dù bị nhân viên bảo vệ cấm cản, đánh đập nhưng chị vẫn tiếp tục vào. Cuối cùng khi tự thấy mình bị đánh đập dã man, không đi bán vé số được nữa, không ăn uống được, chị làm đơn tố cáo đến công an phường.


Chị Vân bị trói và đánh đập dã man

Sáng 13-12-2012, chị Vân vào Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức thăm người quen. Vào bệnh viện, chị thấy nhiều người nên lấy vé số ra mời. Một bảo vệ chạy tới giật xấp vé xổ số trên tay chị rồi chạy vào bên trong bệnh viện lập biên bản. Chị bị bảo vệ giữ đến 13 giờ 30. Bảo vệ bắt chị Vân ký vào biên bản để nộp cho công an nhưng chị không chịu. Đến ngày 15-12, chị tiếp tục mang vé số vào bệnh viện bán. Bảo vệ tiếp tục chửi mắng rồi ùa vào đánh đập chị, sau đó họ trói chân tay chị lại. Người dân đã báo Công an phường Linh Trung xuống mở trói.

Sau khi được giải thoát, đến ngày 6-1 chị tiếp tục đến bệnh viện bán vé số và lại bị bảo vệ dùng gậy đánh ngất xỉu. Người dân gọi điện cho công an phường xuống giải quyết. “Trong thời gian chờ công an và người nhà tôi xuống, những bảo vệ này lại tiếp tục đánh đập rồi nhét bao nylon vào miệng. Tôi đã gửi đơn tố cáo lên Công an phường Linh Trung. Từ ngày bị đánh, tôi yếu dần, không thể đi bán vé số, ăn uống cũng không được”, chị Vân nói.

Kết luận


Những người bán hàng rong, bán vé số vì mưu sinh mà bất chấp việc cấm bán trong bệnh viện cố tình vào nhiều lần để bán hàng, trong khi các bảo vệ thì có nhiệm vụ cấm người bán hàng rong vào làm mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của các y bác sĩ. Do đó, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng dẫn đến các bảo vệ đánh người. 

Mặc dù những người bán hàng trông có vẻ cam chịu, đáng thương nhưng thật ra họ cũng đáng trách vì vi phạm luật lệ bệnh viện. Họ không chỉ vi phạm một lần mà nhiều lần cố tình vi phạm như chị bán vé số tên Vân thì bán hết lần này đến lần khác mặc dù đã bị cấm cản. Còn bà Tính thì cũng nhiều lần vào bán bánh, đến khi bị bắt mặc dù biết là đáng bị tịch thu nhưng lại cố tình xin lại bánh để đi bán, điều đó làm cho những người bảo vệ không còn thông cảm nữa mà ngược lại họ cảm thấy sức chịu đựng của họ đang bị thử thách và do đó dẫn đến hành vi đánh người bị thương nặng. Điều đó có thể thông cảm phần cho những người bảo vệ đang làm nhiệm vụ phải chịu nhiều áp lực. Họ sai, pháp luật sẽ định tội của họ. Điều đáng nói là có nhiều cách để ngăn cản những người bán hàng. Hoặc dùng các biện pháp khuyên ngăn hoặc các biện pháp mạnh như nhốt, phạt …nhưng không gây thương tích cho họ. Điều quan trọng là phải làm cho những người bán hàng hiểu ra vấn đề và chấm dứt hành động sai trái. Không nên đổ lửa lên đầu họ với mục đích trút giận hoặc đánh cho chừa, như thế chỉ làm tình hình thêm căng thẳng và không có lối thoát. Với nghiệp vụ được trang bị, họ hoàn toàn có thể đảm đương được công việc của mình một cách tốt đẹp nhất. Có như vậy họ mới xứng đáng là người giữ gìn an ninh trật tự cho  bệnh viên, góp phần làm tốt đẹp bộ mặt của bệnh viện.

Câu chuyện bảo vệ đánh người hay người bán hàng rong, bán vé số bị đánh oan ức sẽ không còn là vấn đề phải bàn nếu mỗi người đều sống vì người khác, vì cái chung. Nếu người  bảo vệ vì người dân và vì luật lệ của bệnh viện, họ sẽ biết cân nhắc làm thế nào để vừa không để người bán hàng rong, bán vé số tràn vào nơi công cộng này, vừa không gây tổn hại cho sức khỏe của họ. Còn người bán hàng rong, bán vé số nếu biết sống vì người khác thì sẽ hiểu được mình không nên vì quyền lợi của riêng mình mà gây khó chịu cho nhân viên bảo vệ, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự chung. Tóm lại, sống vì người khác, vì cái chung nói thì dễ nhưng để thực hiện được không phải dễ chút nào. Cần phải rèn luyện từng ngày mới có được. Tuy nhiên với những người đang ngày đêm vì mưu sinh nhọc nhằn thì thật khó biết bao.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét