Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

Những nguyên tắc bé cần biết khi ở nhà một mình

Trên thực tế, chưa có một con số chính xác nào xác định độ tuổi bố mẹ có thể an tâm để bé ở nhà một mình. Điều này dựa trên nhiều yếu tố: sự trưởng thành của trẻ, điều kiện thực tế của cha mẹ. Tuy nhiên, nhìn chung không nên để trẻ dưới 8 tuổi ở nhà một mình vào bất kỳ khoảng thời gian nào.

Với những bé trên 8 tuổi, đã nhận thức được những nguy hiểm nhưng để có thể tự bảo vệ mình trước những rủi ro, đặc biệt nạn trộm cắp, bắt cóc, nguy cơ hỏa hoạn… ở những thành phố lớn, các em cần được trang bị những kỹ năng nhất định, bởi xã hội thì nhiều tệ nạn mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện để thuê dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp để bảo vệ con mình Vì thế trước khi để con mình ở nhà một mình, các bậc cha mẹ cần đảm bảo đứa trẻ đã được hướng dẫn những nguyên tắc cơ bản sau:


1.  Không mở cửa cho bất kỳ người lạ nào muốn vào nhà 


Đây là nguyên tắc cơ bản nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị bắt cóc và cũng bảo vệ tài sản trong nhà khỏi nguy cơ trộm cướp. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được mở cửa cho người lạ. Hãy thường xuyên kể cho con nghe câu chuyện “Chó sói và bảy chú dê non”, đồng thời lên một danh sách những người nào thì con được mở cửa (ông bà, cô dì chú bác… ) dán trước cửa nhà.  Nhận thức được những tình huống với người lạ là điều rất quan trọng liên quan đến sự an toàn của trẻ. 

2.  Biết cách tự tìm thức ăn


Dĩ nhiên cha mẹ sẽ chuẩn bị sẵn đồ ăn để trong tủ lạnh, hoặc những đồ ăn khô như mì gói… Tuy nhiên thực tế không hiếm những đứa trẻ thành phố không biết tự tìm thức ăn khi đói dù cha mẹ đã dặn dò kỹ càng. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng đến giờ ăn mà cha mẹ không có ở nhà thì bé biết lấy đồ ăn trong tủ lạnh, hoặc biết pha đồ ăn sẵn…

3.   Phải làm gì khi xảy ra hỏa hoạn


Đây là kỹ năng cần thiết giúp trẻ có thể tự cứu mạng sống của mình khi có hỏa hoạn xảy ra. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn bình cứu hỏa trong nhà. Đồng thời hướng dẫn bé cách phát hiện hỏa hoạn, cách thoát ra ngoài an toàn khi chẳng may bình ga nổ, hoặc thiết bị nào đó phát hỏa.

4.  Biết cầu cứu hàng xóm


Thói quen sống của người hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn là nhà nào biết nhà đó, không quan tâm nhiều tới chuyện hàng xóm. Vì vậy đôi khi nhà bạn xảy ra sự cố và con bạn chỉ có một mình ở nhà nhưng vẫn không có ai giúp đỡ. Vì vậy hãy cho con làm quen với hàng xóm và những người ở các khu phố lân cận để cầu cứu sự giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp.

5.  Kỹ năng cơ bản về việc xác định hướng


Chúng ta không đòi hỏi bé nhìn bản đồ giỏi hoặc có thể xác định hướng theo vị trí của mặt trời, nhưng nhận thức và định vị hướng cơ bản có thể giúp chúng an toàn trong nhiều trường hợp. Chẳng may trong nhà có sự cố bé sẽ biết đường chạy đến nhà ông bà nội ngoại hoặc quen biết để được an toàn. 

6.  Nhớ địa chỉ và số điện thoại của nhà mình


Đây có lẽ là điều bạn hay bỏ qua nhất. Bạn dạy bé cách gọi điện thoại cầu cứu nhưng quên mất việc bé không nhớ địa chỉ nhà mình thì người muốn giúp đỡ cũng không thể giúp. Vì thế hãy đảm bảo bé đã ghi nhớ và học thuộc lòng, đồng thời thường xuyên đọc và viết số điện thoại và địa chỉ nhà để bé không bị quên.  Đồng thời hãy ghi những thông tin đó lên nơi nào dễ nhìn trong nhà để bé thông báo cho lực lượng cứu hộ (chẳng hạn khi bé bị tai nạn, khi nhà cháy nổ…).

7.  Biết dùng những thiết bị điện 


Tốt nhất bạn nên dặn con hạn chế dùng những thiết bị điện. Nhưng bạn cũng nên hướng dẫn con dùng những thiết bị thông dụng như Tivi, điều hòa, quạt… Bạn cũng nên để đèn pin, nến, các thiết bị chạy bằng pin ở vị trí dễ lấy trong trường hợp mất điện và hãy chỉ cho bé chỗ để những vật này.

8.  Kỹ năng sơ cứu cơ bản


Nói với trẻ về việc sơ cứu cơ bản cho mình, tập trung vào những việc cần làm trong trường hợp bị những vết cắt nhỏ hay xây xát và làm thế nào để biết sự khác biệt giữa các chấn thương nhẹ hoặc và những vết thương nguy hiểm. Kiến thức cơ bản của việc sơ cứu ban đầu sẽ giúp con bạn chăm sóc tốt hơn bản thân và những người khác khi bị chấn thương .

9.  Trẻ cần biết gọi tới số điện thoại nào trong trường hợp khẩn cấp



Trước tiên hãy đảm bảo rằng con luôn biết cách liên lạc với bạn khi bạn đi vắng, bé biết số điện thoại cầm tay cũng như số điện thoại văn phòng của bạn. Hãy thường xuyên kiểm tra hộp thư tin nhắn và nhanh chóng bắt máy khi thấy cuộc gọi hay tin nhắn của con.

Đồng thời bạn cũng nên cho trẻ biết một vài số điện thoại khẩn cấp tại Việt Nam là: 

Số 113 : Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh
Số 114 : Số khẩn chữa cháy hay khi cần cứu hộ cứu nạn
Số 115 : Cấp cứu y tế

Bạn nên dạy trẻ cách gọi cho số điện thoại của công an 113 trong trường hợp khẩn cấp qua điện thoại nhà hoặc điện thoại di động của bố mẹ. Đó là việc trẻ dễ dàng học được vì chắc chắn chúng biết cách chơi game trên điện thoại di động của bạn. Đối với máy điện thoại cố định - để bàn hoặc dùng điện thoại thẻ, điện thoại di động... trong phạm vi tỉnh, thành phố khi muốn gọi Trung tâm Cảnh sát 113 thì gọi số 113. Trường hợp ngoài phạm vi tỉnh, thành phố hoặc điện thoại di động đang ở vùng giáp ranh, muốn gọi cảnh sát 113 của địa phương nào thì phải bấm thêm số mã vùng của địa phương cần gọi.

Trên đây là những điều cần thiết bạn nên hướng dẫn trước khi để con mình ở nhà một mình. Và đừng quên thường xuyên gọi và kiểm tra tình hình của con mình nhé.

Thêm một tư vấn cho bạn là hãy cho con bạn tự lập ngay khi còn bé, hãy cho bé tiếp xúc với môi trường sống để bé làm quen với môi trường xung quanh sớm, sẽ khiến bé có tư duy nhanh nhạy hơn và biết cách xử lý tình huống tốt hơn so với những đứa trẻ ít hoặc không tiếp xúc với môi trường sống xung quanh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét