Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Tâm sự về “Tiêu chuẩn” và “Lựa chọn” của một nữ vệ sĩ

Gần đây mọi người hay nói với tôi rằng “phụ nữ đừng có kén chọn quá không là ế đấy” hay “con gái làm nghề vệ sĩ mạnh mẽ quá nên rất khó lấy chồng, có lấy về cũng “át vía” chồng”. Tôi hiểu ý nghĩa tích cực của lời nhắc nhở ấy. Bởi lẽ do đặc thù nghề nghiệp, tôi không thể mềm yếu như những cô nàng yểu điệu thục nữ khác. Công việc cũng đòi hỏi tôi không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình, bảo vệ cho chủ nhân là nhiệm vụ của tôi. Tôi đến với nghề vệ sĩ là một cơ duyên, nhưng chính nghề đã chọn tôi, và tôi lựa chọn cuộc sống của mình theo đặc tính nghề nghiệp. Thế nhưng tôi vẫn là một người phụ nữ, cần sự chở che và nuông chiều như bao cô gái khác.



Vệ sĩ không có quyền lấy chồng…?

Thực tế thì tôi không thích sống một mình, sợ cô đơn và luôn mong muốn có một gia đình của riêng mình. Ai nói rằng nữ vệ sĩ không có quyền lấy chồng đâu.

Nhưng tôi không sợ “ế” theo bất cứ nghĩa nào nên tôi vẫn có những tiêu chuẩn để kén chọn. Tôi nghĩ nữ giới hay nam giới khi đến tuổi kết đôi đều có quyền được kén chọn và để có thể “kén chọn” thì mỗi người phải hiểu chính bản thân mình.

Tôi không thích dùng cụm từ “người đàn ông lý tưởng” hay “người phụ nữ lý tưởng” bởi tôi nghĩ lý tưởng chỉ là ngôi sao để dẫn dắt. Tôi thích dùng cụm từ “tiêu chuẩn” lựa chọn.

Mỗi người có một tiêu chuẩn riêng được chi phối bởi  những yếu tố khách quan và chủ quan. Việc kết hôn cũng quan trọng như việc lập nghiệp. Nên cũng cần dựa vào mong muốn, nguyện vọng, khả năng của bản thân để đưa ra những tiêu chuẩn. Điều đó sẽ giúp người ta không nhầm lẫn với quyết định quan trọng của cuộc đời. Tôi không chỉ tìm kiếm người để kết hôn, tôi tìm kiếm người “bạn đời”

Tiêu chuẩn về người bạn đời của tôi rất đơn giản:

- Là người có ước mơ và năng lực thực hiện ước mơ.
- Là người có sức khỏe (tinh thần và thể lực) đặc biệt là sức khỏe tinh thần, luôn suy nghĩ tích cực.
- Là người biết khóc khi đau, biết xin lỗi khi sai, dám chịu trách nhiệm và sửa chữa lỗi lầm.
- Là người lễ phép với người trên, hiếu thảo với cha mẹ, nhiệt tình với bạn bè và yêu trẻ thơ.
- Chấp nhận nghề nghiệp của tôi và cùng tôi vượt qua những rào cản nếu có ai đó vì nghề nghiệp mà muốn gây cản trở với tình yêu của chúng tôi.

Các tiêu chuẩn trên có vị trí như nhau, thứ tự sắp xếp không mang ý nghĩa ưu tiên. Hơn hết tôi hiểu phù hợp mang lại bền vững. Giấc mơ sẽ không chỉ là giấc mơ khi người mơ ước biết cách tìm kiếm và xây dựng con đường cùng với quyết tâm chinh phục mọi thử thách.  Tất nhiên tôi không phải là một người hoàn hảo, nhưng tôi đang cố gắng rèn luyện để mỗi ngày mình tốt hơn. Tôi cũng hiểu rằng, một người đàn ông dù có đủ đầy những tiêu chuẩn trên thì cuộc hôn nhân cũng không thể hạnh phúc nếu hai người không mang đến cho nhau sự tin tưởng, yêu thương và khát khao được ở bên nhau.

Tôi không đi tìm tình yêu lý tưởng, cũng không cầu toàn tìm kiếm một tình yêu đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nêu trên. Tôi khao khát xây dựng được một tình yêu bền vững. Nhưng tôi biết mình sẵn sàng chấm dứt một tình yêu hay kết thúc một cuộc hôn nhân, khi mà những tiêu chuẩn cần và đủ nêu trên không còn tồn tại.
Về gia đình,  chứng kiến, quan sát cuộc sống của những người phụ nữ quanh tôi, tôi có thể hiểu được những hi sinh của họ, nhưng không thể hiểu tại sao đến “lúc này” họ vẫn có thể “hi sinh” kiểu như thế.

Tôi ủng hộ việc người phụ nữ hoàn thiện bản thân theo những tiêu chí “công, dung, ngôn, hạnh” nhưng không cổ vũ cho việc “giáo dục” những bé gái trở thành những phụ nữ cam chịu và luôn sẵn sàng hi sinh trong cuộc sống gia đình.

Vào những ngày lễ tết, giỗ chạp người phụ nữ thức dậy từ sáng sớm để chuẩn bị cỗ bàn trong khi những người đàn ông chỉ đạo và chờ đến giờ thì xếp bằng, nâng chén say sưa. Trong bữa cơm người phụ nữ luôn phải có ý thức quan sát người đàn ông xem có cần thêm gì, họ luôn là người đứng dậy khi cần lấy thêm đồ. Bữa cơm kết thúc được tính vào thời điểm người đàn ông dừng đũa. Người phụ nữa sẽ phải có ý thức ăn nhanh hơn hoặc dừng đũa để thu dọn bát đũa và chuẩn bị nước cho đàn ông pha trà. Sau khi người đàn ông lên bàn uống nước thì người phụ nữ tiếp tục công việc dọn dẹp của mình. Đấy là chưa kể đến việc người đàn ông có thể thỏa sức uống, không tự biết điểm dừng để say xin và người phụ nữ lại tiếp tục phải dọn dẹp, chăm sóc.

Với tôi bình đẳng giới không phải là việc đưa người phụ nữ từ dưới bếp lên bàn nước chè hay từ vị trí nhân viên lên vị trí quản lý. Có điều gì tốt đẹp ở khung cảnh mà tôi kể trên, “nét đẹp văn hóa” gì tồn tại ở đó mà người ta cứ bảo ban nhau, giáo dục trẻ thơ duy trì nó hàng thế kỷ. Vẫn biết rằng những gì đã thuộc về quan điểm, nhận thức thì thay đổi không thể là một sớm một chiều.

Tôi tin rằng mình sẽ gặp được một người đàn ông có thể làm “cùng nhau”: cùng nhau thức dậy, cùng nhau chuẩn bị, cùng nhau ăn uống và cùng nhau dọn dẹp. Nếu chẳng may có ngày nào đó tôi vì công việc mà không thể ở nhà, người đàn ông đó vẫn vui vẻ vào bếp và nhận ra “cái bếp” đã không phải là không gian và “đặc quyền” của nữ giới.

Sau này khi chúng tôi có con, nếu là con trai, tôi sẽ dạy con biết chia sẻ công việc trong gia đình với mẹ, với vợ thay vì những quan điểm kiểu như đàn ông sinh ra là để làm việc lớn. Còn nếu là con gái, tôi sẽ dạy con biết cách hướng dẫn, phân chia và trân trọng những người đàn ông cùng chia sẻ công việc “vặt” trong gia đình thay vì quan điểm mình là phụ nữ thì phải biết hi sinh.


Tôi suy nghĩ như vậy liệu có đúng không hay quá mạnh mẽ và cứng nhắc như người ta vẫn nói?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét