Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Người bảo vệ đời con!

“Bố ơi!Cả đời này con sẽ không thể quên công ơn dưỡng dục của bố, người bảo vệ đời con!”

Ngáp dài ngáp ngắn, tôi lững thững đi vào nhà bếp thì thấy trên bàn bữa sáng đã được chuẩn bị sẵn, 2 bát phở gà, một cho anh trai và một cho tôi. “Hôm nay bố lại dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho anh em đây mà”, tôi thầm nghĩ.

Nhìn bát phở gà bất chợt kỉ niệm xưa lại ùa về. Lần đầu tiên tôi gặp bố, bố cũng đưa tôi đi ăn phở gà và chưa bao giờ tôi thấy nó ngon đến thế.

Tôi được 2 tuổi thì bố ruột tôi qua đời. 2 năm sau mẹ tái giá và có một tổ ấm riêng, để lại tôi cho bà nội. Trong kí ức tuổi thơ tôi không có hình dáng của mẹ vì tôi chẳng nhớ nổi và cũng chẳng buồn nhớ người mẹ đã bỏ tôi đi như thế nào. Năm tháng dần trôi, bà nội tôi yếu dần và qua đời năm tôi 10 tuổi. Ngày ấy, trong lễ tang của bà tôi đã rất mong mẹ về. Nhưng càng hi vọng bao nhiêu lại càng thất vọng bấy nhiêu, tôi khắc khoải chờ mong nhưng càng ngày nỗi khắc khoải ấy lại càng trôi về vô vọng.

Bà nội mất, mẹ không về, tôi không còn người thân. Tôi lang thang lên thành phố phiêu bạt vì miếng cơm manh áo. Toàn bộ gia sản của tôi lúc ấy là một cái túi cước bên trong vẻn vẹn 2 bộ quần áo, vài đồng bạc lẻ và tấm hình của bà.

Những ngày đầu lang thang trên nơi đất khách quê người, nước mắt tôi không ngừng rơi mỗi khi đêm về. Tôi thèm được nằm cạnh bà, được ăn cơm bà nấu. Chỉ là bữa cơm rau cơm muống luộc với mấy quả cà thôi nhưng sao giờ đây nó lại xa vời với tôi đến thế. Đã bao lâu rồi tôi không được ăn bữa cơm tử tế, tôi chẳng nhớ nữa. Những thứ tôi được ăn chỉ là mấy mẩu bánh mì người ta cho hay bát phở người ta không ăn hết ở những quán ven đường.

Nước mắt lã chã, tôi nằm ở ghế đá. Mắt đang lim dim mơ về những ngày tháng tươi đẹp của tuổi thơ, bất chợt tôi giật mình tỉnh giấc vì nghe đâu đó có tiếng quát tháo: “Thằng kia, ai cho mày ngủ ở đây. Chỗ này không phải nhà của mày. Ra chỗ khác, mất mĩ quan quá!”, người đàn ông mặc áo xanh, mãi đến sau này tôi mới biết đó là người bảo vệ, tiến đến gần và chỉ tay vào mặt tôi.

Sợ hãi, luống cuống, tôi ôm chiếc túi cước chạy đi mà quên mất chiếc dép tổ ong đứt quai mà bà nội mua cho từ năm ngoái. Cứ thế, chân không dép, tôi bước nặng nề trong cái tiết trời giá rét của mùa đông, co ro trong đêm tối. Tôi đưa mắt ra xa,  quan sát thành phố. Ánh đèn sáng rực dường như át đi bóng tối mịt mùng. Màn đêm đã buông nhưng những ánh đèn kia làm cho nó càng rực rỡ và lấp lánh hơn.

Đang mải ngắm nhìn và trong đầu ngổn ngang với những suy nghĩ vu vơ, bất chợt có một đám trẻ, cũng chân không dép, ăn mắc rách rưới như tôi lại gần, nhìn tôi với ánh mắt săm soi. Chúng giật phắt cái túi mà tôi đang ôm khư khư. Chúng lục lọi rồi quẳng vào mặt tôi tấm hình của bà và nói: “Cái này không làm được gì, trả lại cho nó. Đi thôi!”. Thế rồi chúng kéo nhau đi trong sự ngỡ ngàng của tôi. Tôi chạy theo và lấy tất cả sức bình sinh để giật lại những gì là của mình thì bị chúng đẩy ra. Mặt mũi tối sầm lại, tôi ngã ngửa ra vỉa hè rồi liên tiếp bị những cú đá, cú đấm thùi thụi vào bụng, vào lưng, vào mặt. Chúng bỏ đi mặc cho tôi co quắp trên vỉa hè.

Dường như cả thế giới quanh tôi đã sụp đổ. Tại sao mới 10 tuổi thôi, người ta thì được quần luột áo là, có cả bố lẫn mẹ chở che âu yếm, được đi học, được đọc sách, được ăn những bữa cơm ngon,... Còn tôi, ngay cả cái túi với vài bộ quần áo rách rưởi cũng bị người ta cướp mất. Tôi sẽ phải làm sao để sinh tồn trong cái thế giới quá ư khắc nghiệt này? Hai hàng lệ cứ lăn dài trên má. Tôi đã cố ngăn chúng lại nhưng không thể. Tôi đã cố gượng dậy để đi nhưng rồi hai chân lại khụy xuống. Tôi lịm đi. Tay vẫn ôm chặt bức hình của bà, người vẫn giật lên từng đợt vì rét và đói.

“Cháu ơi! Tỉnh dậy đi! Sao thế này?”, có bàn tay nào đó chạm vào người và lay tôi. Lờ đờ mở mắt, tôi không nhìn rõ mặt ai nhưng loáng thoáng cái bóng áo xanh. Lại là áo xanh. Người ta lại đến và đuổi tôi đi. Tôi sợ hãi, cố gượng dậy toan bỏ chạy nhưng không thể. Tất cả sức lực tôi đã cố dồn xuống đôi chân nhưng vẫn không thể cất bước.

“Cháu! Đừng sợ!”, người đàn ông kia nhẹ nhàng nói và dìu tôi đến một quán ven đường. Người ta đặt trước mặt tôi một bát phở gà nóng hôi hổi. Đôi mắt sợ hãi, tôi khép nép nhìn người đàn ông áo xanh thì nhận được một nụ cười âu yếm. Bỗng dưng một cảm giác lạ chạy dọc qua cơ thể, một hơi ấm bất chợt đến với tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy an toàn đến thế. Thế là tôi ăn, tôi ăn như chưa bao giờ được ăn. Tôi húp sùm sụp, chả mấy chốc bát phở gà đầy ăm ắp vừa rồi giờ chỉ còn là cái bát không. Người đàn ông quay sang tôi, mỉm cười và nhẹ nhàng nói: “Chú sẽ bảo vệ cháu như chính cái tên gọi của nghề chú đang làm”.

Kể từ ngày ấy, tôi là thành viên của gia đình và gọi người đàn ông ấy là bố. Bố là một nhân viên bảo vệ của một công ty dịch vụ bảo vệ. Bố đã cứu sống tôi, bảo vệ và chở che cho tôi suốt ngày tháng qua, y như lời bố hứa!

Nhìn bát phở nóng hổi trước mặt, nước mắt tôi lăn dài trên má: “Bố ơi!Cả đời này con sẽ không thể quên công ơn dưỡng dục của bố, người bảo vệ đời con!”

Ảnh minh hoa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét