Hiện nay nhiều gia đình chọn chung cư là giải pháp an toàn để phòng tránh trộm cắp. Tuy nhiên, khi chuyển đến đây sinh sống, nhiều người đã “tá hỏa” vì sự thực không như họ nghĩ. Nhiều kẻ gian lựa chọn chung cư làm nơi đột nhập hơn khu dân cư vì ít bị người lạ “ngáng đường”. Vậy tại sao trộm cắp có thể lẻn vào khu vực tưởng chừng an toàn này để thực hiện hành vi xấu? Nguyên nhân là vì đâu?
Liên tục đột nhập, phá khóa
Vụ việc đã xảy ra một thời gian khá lâu nhưng khi nhắc lại chị Thanh ở tầng 6, chung cư (CC) An Lộc, P.An Phú, Q.2, TPHCM vẫn chưa hết bàng hoàng. Khoảng 7 giờ sáng 28.8, vợ chồng chị Thanh cẩn thận khóa cửa đưa con đi học, rồi đi làm. Đến hơn 8 giờ sáng, Tâm (em trai chị Thanh, làm bảo vệ CC An Lộc) lên nhà thì phát hiện cửa sắt chính của căn hộ đã bị phá khóa. Mặc dù tên trộm mới chỉ kịp phá khóa bên ngoài, cửa trong chưa bị sờ đến nhưng chị Thanh vẫn không thể tin kẻ trộm lại bạo gan đến thế. Chị Thanh phỏng đoán: “Mở được lớp cửa ngoài rồi thì mở lớp cửa còn lại sẽ không là vấn đề gì, chỉ trong tích tắc thôi. Có lẽ lúc đó có người xuất hiện nên kẻ trộm phải lẻn đi”.
Chị Sáu (có chồng là người Hàn Quốc đang làm việc tại Bình Dương) đến thuê căn hộ CC An Lộc để ở mới được vài tháng đã bị kẻ trộm “viếng” nhà. Cuối tháng 7/2014, nhân lúc 2 vợ chồng đi vắng, tên trộm đã phá 2 lớp khóa cửa để lấy 2 điện thoại, 1 máy tính xách tay và lục tung tủ áo quần lấy hơn 30 triệu đồng. chị Sáu cho biết. Cũng tại CC này, nhiều vụ trộm xe máy, linh kiện xe ô tô (đậu ở hầm và bãi giữ xe ngoài trời)… từng xảy ra nhưng đến nay chưa bắt được thủ phạm nào khiến cư dân càng thêm lo lắng, bất an. Mới đây, ngày 8.9 gia đình chị Hằng ở tầng 11 bị trộm đột nhập lục tung đồ đạc, lấy cắp 3 thẻ tín dụng, 2 thẻ ATM.
Trộm vào, không dám kêu cứu vì sợ bị “xử”
Còn chị Nghiệp ở lô A, CC Cô Giang (Q.1, TPHCM) sau khi về quê thăm gia đình vào hồi tháng 8, hôm sau trở lại phát hiện cửa sổ bị cạy phá. Tài sản bị mất của chị gồm: 1 máy ảnh, 1 điện thoại di động, 370 USD, 1 triệu đồng tiền mặt cùng một số nữ trang.
Đáng lo ngại, lợi dụng một số CC cũ không có đội ngũ bảo vệ của các công ty bảo vệ chuyên nghiệp, nhiều con nghiện đột nhập nhà dân dùng dao, kim tiêm khống chế bắt chủ nhà phải đưa tiền. Bà H. (74 tuổi), người hơn 10 năm sống tại CC cũ nằm trên đường Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh), nói: “CC này từ khi thành lập không có ban quản lý, bảo vệ gì hết nên tình hình trộm cắp, ma túy diễn biến phức tạp. Cảnh sát khu vực thường xuyên tuần tra nhưng trộm cắp vẫn xảy ra. Nhà tôi đã 2 lần bị người lạ lẻn vào ngang nhiên lục lọi đồ đạc để trộm”. Em gái chủ hộ (xin giấu tên) ngay trên hộ bà H. bị con nghiện đột nhập nhà trộm đồ, bức xúc: “Thấy nó vào nhà mình trộm đồ mà vẫn phải nằm im giả vờ không hay biết. Vì la lên sợ nó dùng dao, kim tiêm khống chế “xử” mình”...
Chung cư tiền tỷ vẫn bị trộm “ghé thăm”
Dù một số khu chung cư chưa bàn giao căn hộ nhưng đã bị đạo tặc tấn công. Anh Nguyễn T. (phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) bức xúc khi chưa nhận bàn giao căn hộ tại dự án Golden Land (275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị mất nội thất, cửa sổ, cửa kính tại căn hộ có giá trị gần 3 tỷ đồng.
Chị Xuân Lan sống tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) chưa hết bức xúc khi kể lại chuyện trộm bẻ cửa sổ ban công trèo vào nhà mình. Chị Lan chia sẻ: “Cứ tưởng sống ở chung cư cao cấp sẽ an toàn nhưng hóa ra lại mất an toàn hơn ở nhà thấp tầng. Chung cư có Ban quản lý và bảo vệ chốt 24/24 nhưng khi xảy ra mất cắp thì không ai chịu trách nhiệm”.
Sau lần bị trộm “ghé thăm”, chị Xuân Lan phải tự thay cửa ban công và cửa ra vào vì không tin tưởng độ chắc chắn của cửa do chủ đầu tư xây dựng.
Tạm kết
Thực tế, các chung cư cao cấp đều có Ban quản lý điều hành các dịch vụ như trông xe, bảo vệ, vệ sinh... Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hầu hết các Ban quản lý chưa giải quyết thỏa đáng khi tòa nhà xảy ra hiện tượng trộm cắp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tòa nhà chung cư thời gian đầu đều được Ban quản lý của các chủ đầu tư quan tâm giám sát. Họ thuê công ty dịch vụ bảo vệ để đảm bảo an ninh tòa nhà nhưng khi đã bàn giao lại cho địa phương thì chỉ còn lực lượng làm công tác trông giữ xe kiêm bảo vệ tòa nhà. Một tình trạng chung nữa tại các chung cư hiện nay là lực lượng bảo vệ quá mỏng. Có những khu chung cư với hàng trăm hộ dân nhưng hầu như chỉ có 3- 4 nhân viên bảo vệ, lại kiêm nhiệm rất nhiều việc như trông xe, đi tuần, gác cổng.... Vì vậy, việc trộm cắp xảy ra tại chung cư trước hết thuộc về lỗi của Ban quản lý.
Để khắc phục tình trạng này, Ban quản lý tòa nhà cần nâng cao trách nhiệm của bản thân, tăng cường lực lượng bảo vệ ngày và đêm, thường xuyên đi tuần, lắp đặt camera ở các nơi trọng yếu,…. Bên cạnh đó, cần phải thuê lực lượng bảo vệ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao. Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng nên nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc, gây thiệt hại cho chính bản thân và gia đình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét