- Bọn mày định hối lộ tao à? Mang về, mang về ngay!
Đó là câu cửa miệng của bác bảo vệ trường tôi mỗi khi chúng tôi mang quà biếu bác.
Bác năm nay ngoài 50, đôi chân bác đi tập tễnh vì ảnh hưởng của lửa đạn chiến tranh. Bác là nhân viên thuộc một công ty dịch vụ bảo vệ trường học và được điều về trường tôi công tác đến nay đã được 12 năm. 12 năm bác gắn bó với ngôi trường là 12 thế hệ học trò của trường biết đến bác. Khác với những học sinh ở nhiều ngôi trường khác, khi rời xa mái trường những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè, về những giờ học trên lớp luôn được các bạn nhắc đến đầu tiên, còn chúng tôi, những kỉ niệm gắn liền với bác như một phần kí ức học sinh.
Bề ngoài bác cũng nghiêm khắc lắm, những tên “đầu gấu” nhất trường mỗi lần nhìn thấy bác cũng sợ chết khiếp. Tôi nhớ, năm ấy ngôi trường tôi còn cây nhãn, mấy cậu con trai nghịch ngợm thường nhằm những lúc không ai để ý để trèo lên cây hái trộm. Nhưng chẳng có việc gì là lọt qua tầm ngắm của bác cả. Lần đầu bắt gặp, bác chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, nhưng đã để bác bắt gặp lần thứ 2 thì… xin đừng hỏi. Có lần bác thẳng tay trị một đám học sinh trèo lên trèo xuống cây nhãn đúng 10 lần, vụ việc ồn ào, cả trường chạy xô ra xem và đương nhiên các bạn bị viết bản kiểm điểm. Nhưng không giống như những người khác, bác lặng lẽ đến gặp các thầy cô giáo chủ nhiệm để “xin nhẹ tay” với các bạn. Mãi sau này ra trường chúng tôi mới biết đó là lý do tại sao đám bạn ấy (và nhiều trường hợp khác) không bị hạ hạnh kiểm sau những vụ việc lùm xùm ấy.
Chúng tôi thường gọi trêu bác là “Chúa tể lán xe” vì bác rất khó tính trong việc dựng xe trong trường. Hễ xe nào dựng không đúng nơi quy định là y như rằng bị bác vác ra trước cửa bốt bảo vệ chờ người ra nhận. Mỗi lần như thế, chủ nhân chiếc xe lại co ro, khép nép rồi xin lỗi bác rối rít nhưng vẫn bị bác “quạt” cho một trận “lên bờ xuống ruộng”. Không những thế, với những chiếc xe để “thò đuôi” ra khỏi lán quá mức quy định, cũng bị bác vác lên rồi “quẳng vèo vèo”, đè lên những chiếc xe khác. Mỗi lần nhìn bác làm thế, đám học sinh chúng tôi nhìn mà xót của nên chẳng ai dám tái phạm lần 2.
Không những thế, mỗi lần chúng tôi nghịch ngợm, bác thường chau mày cau có mà rằng “chúng mày lại thất lễ với bác rồi đấy”. Một lần cả nhóm trốn tiết đi chơi điện tử, bị bác bắt gặp, chạy toán loạn, bác cầm dùi trống đuổi theo. Cả lũ hổn hển, chạy tới cửa lớp thì nghe bác nói với phía sau: “Có đứa chạy mất cả dép đây này”. Vậy là hôm đấy chúng tôi phải ngồi ở phòng bảo vệ để viết bản kiểm điểm “xin chuộc dép”.
Không những thế, mỗi lần chúng tôi nghịch ngợm, bác thường chau mày cau có mà rằng “chúng mày lại thất lễ với bác rồi đấy”. Một lần cả nhóm trốn tiết đi chơi điện tử, bị bác bắt gặp, chạy toán loạn, bác cầm dùi trống đuổi theo. Cả lũ hổn hển, chạy tới cửa lớp thì nghe bác nói với phía sau: “Có đứa chạy mất cả dép đây này”. Vậy là hôm đấy chúng tôi phải ngồi ở phòng bảo vệ để viết bản kiểm điểm “xin chuộc dép”.
Bác nghiêm khắc là thế nhưng cũng gần gũi với học sinh lắm. Giờ ra chơi, đám học trò chúng tôi thường lân la ra sân trường “buôn chuyện” với bác. Bác kể nhiều chuyện, từ chuyện ngày trong chiến trường thế nào, cái chân của bác bị thương ra sao đến những câu chuyện thường ngày trong cuộc sống. Nhưng dù có kể chuyện gì thì bao giờ bác cũng chốt lại một câu: “Tụi mày cố mà học”. Nhiều khi bác kể về gia đình, về cô con gái xinh xắn học giỏi khiến bao nhiêu thằng con trai như tôi đua nhau đăng kí “làm con rể tương lai” của bác.
Học ở trường 3 năm, nhưng chưa bao giờ chúng tôi có dịp thể hiện tình cảm với bác, năm lớp 12 nhân ngày 20/11, chúng tôi quyết định mua một bó hoa và một món quà nhỏ nhỏ mang đến phòng bảo vệ tặng bác. Bác bất ngờ lắm nhưng cứ khua tay không nhận, bảo rằng: “Mua quà tặng bác làm gì, thôi, đem về tặng thầy cô giáo đi!”. Còn những lần chúng tôi mua gói thuốc lào tặng bác, bác cười khì khì thích thú nhưng vẫn nghi ngờ chúng tôi mua quà “hối lộ” bác.
Bao nhiêu năm xa trường nhưng những kí ức một thời học sinh không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Đó không đơn giản chỉ là những kí ức với thầy cô, bạn bè mà còn cả với bác bảo vệ khiêm khắc mà rất đỗi gần gũi, thân quen. Bác không dạy chúng tôi những kiến thức trong sách vở nhưng bác cho chúng tôi những kiến thức làm người, những kiến thức thực tế trong đời sống. Giờ đây, mỗi lần quay về trường là mỗi lần được tâm sự, được cùng bác ôn lại những kỉ niệm xưa mà lòng tôi bồi hồi, xao xuyến!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét