Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Đừng để bảo vệ và công nhân thành kẻ thù của nhau

Sau vụ việc ở nhà máy Samsung, có nhiều câu chuyện được kể, nhiều lí do được đưa ra. Điều mà ai cũng đồng ý sau vụ xô xát giữa công nhân và bảo vệ là đã có người bị thương, xe máy bị đốt, container bị thiêu và rất đông công nhân tham gia vụ loạn đả. 

Hàng chục xe máy bị thiêu cháy


Tất nhiên là các công nhân đã nổi giận. Không phải vô cớ mà rất đông công nhân lại xông vào đánh bảo vệ cùng một lúc. Các mâu thuẫn phải có trước đó chứ chẳng thể nào lại đột nhiên bùng phát. Các bảo vệ đã làm gì mà ra nông nỗi này?

Có người nói rằng, bảo vệ giật cặp lồng cơm của công nhân và vứt xuống đất. Trước đó bảo vệ đã bắt công nhân ngồi ngoài ăn cơm trên đường. Có người nói rằng công nhân không đeo thẻ, không được bảo vệ cho vào nên nổi giận. Báo cáo của chủ tịch tỉnh nói do công nhân đi làm muộn nhưng cứ cố vào, dẫn đến xô xát.

Tuy nguyên nhân có khác nhau tùy theo từng góc nhìn, nhưng nói chung đều là do các bảo vệ cố áp dụng một số quy định khác nhau và công nhân không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn. Các quy định ở công sở luôn cần thiết. Giờ giấc làm việc phải tuân thủ để tránh các vấn đề giao ban và tiến độ công việc. Đeo thẻ để biết ai được vào làm và ai là người lạ.

Dẫu sao đi nữa thì chắc chắn bảo vệ cũng đã cư xử không đúng mực nên mới khiến công nhân ghét thế. Áp dụng các quy định không có nghĩa là la hét phách lối mà chỉ nên kiên quyết mềm mỏng. Điều này thuộc về trách nhiệm công ty bảo vệ. Lẽ ra các bảo vệ nên được huấn luyện về cách cư xử để không xảy ra những mâu thuẫn thế này.

Còn về phần công nhân, dẫu sao việc tham gia các cuộc bạo động thế này cũng chỉ chứng tỏ ý thức yếu kém mà thôi. Nay vụ lộn xộn đã xong, xe máy đã cháy, container đã thiêu, người đã bị thương. Nhưng người bị thương là công nhân và bảo vệ, xe máy là của công nhân hay bảo vệ, và container thì là tài sản của công ty bảo vệ. Tóm lại là ai cũng thiệt thân cả nhưng tất cả những điều ấy có giải quyết được gì không?

Khi đất nước phát triển thì mọi người phải học cách tuân thủ luật pháp và giải quyết vấn đề có trình tự. Ở các nước phát triển cũng có qui định về đi làm đúng giờ giấc, đeo thẻ, thức ăn buổi trưa. Nhưng họ có cách giải quyết đúng đắn để tránh mâu thuẫn.

Cách đây mấy năm tôi có làm kĩ sư tại một nhà máy sản xuất hóa chất ở Mỹ. Nhà máy lớn, hóa chất nguy hiểm và công ty cũng có lực lượng bảo vệ. Mọi nhân viên từ giám đốc tới công nhân, bảo về đều phải đeo thẻ khi tới cổng công ty. Không có thẻ thì phải đi gặp bảo vệ xin thẻ tạm thời cho hôm đó mới được làm việc.

Việc đeo thẻ là để đảm bảo an ninh, vì ai cũng phải quét thẻ ở cổng vào. Khi sơ tán vì cháy nổ chẳng hạn, thông tin quét thẻ được dùng để xác định ai có mặt trong công ty và ai không để còn biết mà cứu nạn. Vậy đeo thẻ là việc cần thiết, có chăng là nhà máy nên có quy trình giúp công nhân vào khi quên thẻ. Còn có thẻ mà không đeo thì đuổi việc là phải, vì như thế không đảm bảo an toàn.

Đi làm thì phải đúng giờ vì công nhân được trả tiền theo giờ, nếu không có cách quản lý giờ giấc thì công ty sẽ thua lỗ. Cũng ở nhà máy nơi tôi làm việc, các nhân viên được trả lương theo giờ thì phải quét thẻ khi tới nơi làm và khi rời công ty, và dữ liệu được dùng để tính lương.

Một số công ty khác thì yêu cầu quét dấu vân tay. Những ai đi trễ quá 15 phút thì phải gọi điện cho văn phòng bảo vệ và cho biết chừng nào sẽ tới và lương cũng sẽ ít đi. Ai đi trễ thường xuyên thì bị nhắc nhở và có thể cho thôi việc nếu không cải thiện giờ giấc.

Còn việc ăn uống thì các công ty đều để cho nhân viên tùy thích và thường có tủ lạnh cho nhân viên để thức ăn, cũng như nơi ăn dành cho mọi nhân viên dù họ mua thức ăn ở căn tin hay đem theo. Vì thế, việc đồn đoán chuyện bảo vệ giật cặp lồng thức ăn của nhân viên nếu có thật ắt phải có lí do và nên được điều tra kĩ để khắc phục.

Nếu mâu thuẫn xảy ra, nhân viên lẫn bảo vệ nên có quy trình báo cáo lãnh đạo và đưa ra biện pháp giải quyết. Mọi hành vi lớn tiếng quát tháo đều bị xem là không phù hợp và bị nhắc nhở hay kỉ luật. Còn các hành vi bạo lực như giật đồ trong tay người khác thì đều là vi phạm pháp luật. Khi việc đó xảy ra thì phải báo cảnh sát ngay, chứ không có chuyện đánh người rồi không cho cấp cứu.


Các cong ty bao ve chuyên nghiệp cũng phải có quy trình huấn luyện bảo vệ và hướng dẫn cách giải quyết mâu thuẫn. Khi các vụ lộn xộn xảy ra thì chỉ có người làm công đánh với người làm công và rồi chính người làm công là người chịu thiệt mà thôi.

Theo vnexpress

0 nhận xét:

Đăng nhận xét