Ngày nay, những người có thu nhập khá mà chưa mua được căn nhà của mình thường có xu hướng thuê các căn hộ chung cư bởi nó mang lại nhiều lợi ích: Thích hợp với cuộc sống hộ gia đình, đảm bảo an ninh, được hưởng nhiều dịch vụ giải trí… Thế nhưng không hiếm gặp những trường hợp người thuê nhà cảm thấy mình bị “mắc lừa” khi những dịch vụ không đáp ứng kỳ vọng như họ được hứa hẹn. Vì thế trước khi kí vào Hợp đồng thuê nhà, người thuê cần chú ý những thông tin cần thiết dưới đây để đảm bảo quyền lợi và tránh các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.
1. Kiểm tra quyền sở hữu căn hộ
Khi đã ưng một căn hộ, điều trước tiên bạn cần làm là kiểm tra xem căn hộ mình đang muốn thuê có đang gặp vướng mắc gì về tính pháp lý hay không: căn hộ không chính chủ, không có sổ đỏ, đang bị thế chấp…. Nếu có, cần làm rõ nếu gặp những vướng mắc ấy thì liệu chủ căn hộ có được phép cho thuê căn hộ hay không. Thông thường, nếu căn hộ đang bị thế chấp ngân hàng thì trong thỏa thuận thế chấp thường nêu rõ nếu không có sự chấp thuận của ngân hàng, căn hộ không được sử dụng vào mục đích cho thuê. Nếu việc cho thuê căn hộ không được sự chấp thuận của ngân hàng và chủ căn hộ ngừng chi trả tiền thế chấp, khách thuê sẽ mất quyền thuê căn hộ khi ngân hàng thu hồi quyền sở hữu căn hộ. Vì vậy bạn hãy kiểm tra kỹ để khỏi tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, mất thời gian, công sức mà đôi khi còn mất luôn khoản tiền đặt cọc ban đầu.
2. Những thông tin quan trọng trong hợp đồng thuê nhà
Những thông tin quan trọng nhất trong hợp đồng thuê nhà mà bạn không thể bỏ qua bao gồm:
- Kỳ hạn thuê (theo năm hay theo tháng).
- Ngày bắt đầu và ngày hết hạn thuê.
- Giá thuê và cách thanh toán, thời gian thanh toán.
- Các khoản chi phí khác như phí đỗ xe, phí quản lí…..
- Nếu người thuê nhà không trả tiền đúng thời hạn có bị xem là không chi trả tiền thuê nhà và có chiu hình thức phạt hay không.
- Những điểm cần chú ý trước ngày kết thúc hợp đồng.
- Có “điều khoản phá vỡ hợp đồng” cho phép các bên chấm dứt hợp đồng sau một thời gian nhất định do xảy ra các sự cố hay không.
Trong trường hợp hợp đồng đưa ra lựa chọn tiếp tục thuê nhà sau ngày hết hạn, thỏa thuận cần nêu rõ thời gian cho phép khách thuê quyết định có thuê tiếp hay không, thời hạn và các điều khoản cho thuê mới (ví dụ, phí thuê căn hộ sẽ được tính dựa tính dựa trên mức phí thuê hiện tại hay tùy thuộc vào thỏa thuận mới giữa hai bên).
3. Những khoản chi phí phát sinh ngoài hợp đồng
Với các căn hộ chung cư, bạn không chỉ phải trả mình tiền thuê nhà. Vì vậy đừng vội vàng quyết định thuê ngay khi đọc được những quảng cáo căn hộ có vị trí thuận tiện, an ninh tốt, giao thông thuận lợi, rộng rãi thoáng đãng... và giá hợp lý. Nhiều khách hàng đến khi dọn đồ đạc vào ở mới ngỡ ngàng với nhiều khoản phí phát sinh thêm như phí thang máy, phí dân phòng, phí dịch vụ bảo vệ chung cư...
Thực tế đây là những khoản phí cố định mà bất kỳ người nào ở chung cư cũng phải thanh toán chứ không riêng người thuê. Chỉ có điều, chúng không được đề cập trong hợp đồng cho thuê nhà. Vì sơ ý, nhiều khách hàng đã không lường hết những khoản phát sinh để thương lượng với chủ nhà khi đặt bút ký hợp đồng thuê. Thường ở mỗi chung cư sẽ có những loại phí với vô số những quy định khác nhau. Như với Chung cư Đại Thanh, Hà Nội: Phí quản lý: 5.000 đồng/m2/tháng, phí giữ xe gắn máy 120.000 đồng/tháng, ô tô: 600.000 đồng/tháng; truyền hình cáp, Internet, điện nước theo giá quy định của nhà nước. Ngoài ra, còn có các khoản phí khác như quỹ an ninh quốc phòng, quỹ ủng hộ hoặc tham gia các hoạt động của cộng đồng tại địa phương...
Vì thế hãy hỏi thật kỹ những khoản phí phát sinh này trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê nhà để có quyết định đúng đắn mà sau này bạn sẽ không phải “mắt tròn mắt dẹt” khi được thông báo.
4. Hàng xóm
Khi sống trong một căn hộ chung cư, nghĩa là bạn phải dùng chung nhiều không gian với hàng xóm chứ không thể như nhà riêng được, ví dụ: hành lang, tầng thượng, thang máy, sân chơi, bãi để xe… Vì lẽ đó tính tương tác tại các khu nhà chung cư là rất cao.
Nếu muốn thuê chung cư ở lâu dài thì bạn nên tìm hiều về những người hàng xóm của mình: có hay gây ồn ào, có làm mất trật tự, vệ sinh công cộng… không. Đồng thời, tự đánh giá bản thân mình có thể thích nghi, điều chỉnh nếp sinh hoạt của gia đình mình cho phù hợp với những điều đó không. Đã có nhiều trường hợp phải dọn đi nơi khác chỉ vì không chịu nổi tiếng động ở tầng trên hoặc những khác biệt về quan điểm sống.
5. Các dịch vụ tiện ích khác
Hãy lưu ý đến những dịch vụ được phục vụ trong chung cư trước khi quyết định: không gian vui chơi, học tập, độ an toàn… Không phải chung cư nào cũng có dịch vụ bảo vệ an ninh tốt, nhân viên bảo vệ lịch sự, lễ phép. Có rất nhiều chung cư thường xuyên xảy ra tình trạng mất trật tự trị an, mất cắp tài sản… thậm chí chính do nhân viên bảo vệ nảy sinh lòng tham. Bên cạnh đó, nếu chung cư ở khu dân trí cao, môi trường sạch sẽ, thoáng mát thì con cái thường sẽ có môi trường tốt để phát triển toàn diện. Bạn cũng quan sát xem phía dưới chung cư mình định thuê có trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm… tiện lợi cho cuộc sống của gia đình mình hay không nhé.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét