Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Một lần về miền Trung…

Cũng là một người miền Trung nhưng những gì tôi được nghe về miền Trung chủ yếu là những câu chuyện huyền thoại mà ông bà, bố mẹ… tôi kể hay qua sách báo. Bởi lẽ dường như cái huyện đầu tỉnh Thanh của tôi mang âm hưởng miền Bắc nhiều hơn là miền Trung. Bởi vậy những câu chuyện đó, tôi chỉ nghe để lăn ra mà cười. Có thể phần lớn chuyện do chính người miền Trung tự bịa ra giễu mình về đủ các thói quen tằn tiện (như chuyện về dân Nghệ Tĩnh là dân “cá gỗ”, hay dân miền biển Quảng Bình mắt lúc nào cũng hum húp vì cuộc sống gắn liền với những con sóng…). Những thói quen ấy sinh ra từ xứ sở khắc nghiệt, nơi con người ta sống được đã là một chuyện khó khăn rồi.  

Cũng bởi thế lần đầu được về miền Trung, lướt qua những cồn cát trắng phi lao tôi có cảm giác nao người. Và có lẽ đây là chuyến hành trình đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi, cũng là lần đầu tiên tôi cho đứa con 8 tháng tuổi của mình đi xa dến thế.



Ngày đẩu tiên hai vợ chồng tôi định đi vào chợ cá bên sông Nhật Lệ (Quảng Bình), bởi muốn cho con trai ngửi chút mùi vị của biển. Trong lúc cả nhà đang đợi sang đường thì có một bác bảo vệ ở trường học gần đó chạy ra ra hiệu rồi ra ân cần bảo: “Hai mẹ con vào đây cho mát. Đứng đấy nắng lắm, tội cháu”.  Câu nói thật nhẹ nhàng đơn giản nhưng không khỏi làm tôi xúc động. Bởi bao năm ở Hà Nội, tuy chẳng sinh ra ở nơi đó nhưng từ lúc nào đã quen với cái nếp sống mà người ta ít khi nhắc nhở nhau vì tôn trọng không gian riêng tư của nhau. Chẳng thể nói nếp sống của vùng nào tốt hơn vùng nào, chỉ là có những điều thật nhỏ bé như một câu quan tâm của người lạ cũng khiến con người ta ngỡ ngàng nhận ra lòng mình tự dưng ấm áp. 

Khi vợ chồng bế con vào chợ thì đến đâu cũng gặp nụ cười tươi roi rói của các o, các bà, các mẹ nói rằng đừng cho trẻ con vào chợ, mùi cá tanh lắm cô chú ơi, không tốt cho cháu.  Ra đến cổng chợ, gia đình tôi bắt gặp một chiếc xe ôtô biển Hà Nội bị sa lầy bởi đêm hôm trước nơi đây vừa trải qua một trận bão. Anh tài xế xuống xe, cả vị khách ngồi trên xe ăn mặc sang trọng lịch sự cũng hì hụi xuống đẩy xe nhưng đẩy thế nào xe cũng không đi. Lúc ấy, thật may có mấy cô đi làm đồng thấy vậy bảo để chúng em đẩy giúp. Tay chủ xe sướng quá bảo: “Các em đẩy cho khỏe rồi anh bồi dưỡng” rồi ra quán ngồi uống nước. Còn lại mấy cô gái ra sức đẩy, tài xế ngồi trên xe tăng ga, một lát chiếc xe tăng ga rẽ bùn vọt lên. Xe thoát thì các cô cũng lấm từ đầu tới chân. Chủ xe lúc này mới khệnh khạng đi từ quán nước ra rút ví bảo bồi dưỡng. Các cô cười bảo: “Có gì đâu mà bồi dưỡng anh ơi. Chúng em giúp thôi mà” khiến tay chủ xe thẹn thùng. Có lẽ anh ta sẽ không bao giờ quên được cảm giác hình như mình không thể sòng phẳng được với dân ở nơi này. Thảo nào chàng trai thành phố nào yêu phải cô miền Trung là không bao giờ thoát được. Lạt mềm buộc chặt.

Ngày thứ hai gia đình tôi đi tiếp vào khu chợ hàng miễn thuế ở cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Hai vợ chồng dặn dò nhau vào chợ cứ phải cẩn thận vì đây là vùng biên giới phức tạp. Đang xem đồ thì chúng tôi gặp một người quen đang đi du lịch cùng cơ quan mua sắm tại chợ này. Và ở đây, tôi lại đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi những câu chuyện thật mà như bịa về người dân nơi đây. Vợ chồng tôi hòa cùng với đoàn của cơ quan người bạn đó, chị em thi nhau mua các đồ mỹ phẩm nhãn hiệu Thái. Anh em thì mua mấy đồ điện tử Đông Nam Á. Giá rẻ, ai cũng nhe răng cười đắc thắng, cứ thế bịch lớn bịch nhỏ cũng chật xe. 

Chúng tôi ra trước và đứng trò chuyện với người bạn trong khi chờ một số người trong đoàn còn tiếc rẻ mua sắm nốt. Lúc đó có một cô gái đến xe của cơ quan ấy hỏi xe này có phải của đoàn X không?  Tài xế xe  nhận ra đấy là cô bán hàng trong khu chợ. Cô bán hàng bảo: “Chú nghe nhầm giá nên trả quá lên 1 triệu, cháu xin trả lại chú”. Chú tài xế há hốc mồm, cả xe thì trố mắt kinh ngạc như chuyện gì đó động trời lắm.

Một lát sau, lại có một bà cụ lưng đã lọm khọm ra hỏi có phải xe của đoàn X không? Bạn tôi nói đùa “Lại có vụ trả tiền thừa chăng? Mà sao họ chịu khó đi tìm xe thế. Ở bãi này bao nhiêu xe, tìm thế này thì ai trông cửa hàng”. Thế rồi bà cụ nói: “Có chị T để quên cái ví ở cửa hàng tui. Chị T có đây không chú?”. Khi biết chị T vẫn đang mải mê mua sắm trong chợ thì bà cụ nhất định đợi bằng được để gặp đúng người mới trả trước con mắt ái ngại của chúng tôi khi bà cụ phải chờ đợi rất lâu. 

Cho đến khi chị T ra xe, nhận đúng người, bà cụ mới  trả ví. Chị T nhận được ví của bà mừng quá, cứ tưởng rơi đâu mất rồi, cảm ơn lia lịa. Nhưng hình như niềm vui và sự yên tâm trong mắt bà cụ mới là điều tuyệt vời nhất. Hình như tôi đã hiểu được điều vẫn thường thấy trong sách báo “Hạnh phúc là cho đi…” . Bài học ấy tôi lại học từ những con người quanh năm chân lấm tay bùn ở mảnh đất miền Trung nghèo khó, khắc nghiệt này chứ không phải trong những cuốn sách dày cộp sáo rỗng hay nơi phồn hoa đô hội nào đó. Xe chạy rồi, cửa khẩu Lao Bảo bé dần rồi khuất hẳn, nhưng những câu chuyện về con người, vùng đất miền Trung có lẽ sẽ đi theo tôi mãi đến những năm sau này. Trên xe, bác tài đang mở bài hát:

Miền Trung non nước hùng vĩ

Con người, trời đất giao hòa

Tình yêu từ mưa, từ nắng

Khơi dòng cảm xúc tự hào 

Là người miền Trung…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét